Breaking News

Tranh luận gay gắt về việc tạm dừng triển lãm "Điện Biên Phủ"

Tạm dừng triển lãm "Điện Biên Phủ" để …"tránh hiểu lầm"

Chiều ngày 7/5, Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội đã yêu cầu tạm dừng triển lãm "Điện Biên Phủ" của họa sỹ Mai Duy Minh với lý do "có thông tin cho rằng một số bức tranh có thể gây hiểu nhầm". Đặc biệt, bức tranh "bộ đội cầm cờ rách" gây tranh cãi. Đơn vị này cũng đưa ra thông báo về việc sẽ thành lập hội đồng thẩm định lại và đưa ra kết luận trong thời gian ngắn nhất có thể.

Buc-tranh-bo-doi-cam-co-rach-tai-trien-lam-Dien-BienPhu-gay-tranh-cai-gay-gat-1

Họa sĩ Mai Duy Minh. (Ảnh: FBNV)

Trước đó, Sở Văn hóa -Thể thao Hà Nội đã cấp giấy phép số 133/GP-SVHTT cho triển lãm này. Theo kế hoạch, họa sỹ Mai Duy Minh được trưng bày 88 tác phẩm tại Nhà Bảo tàng, Đại học Mỹ thuật Việt Nam từ ngày 7/5 đến ngày 20/5. Tuy nhiên, sau khi nhận được văn bản của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội đã quyết định yêu cầu ban tổ chức dừng khai mạc.

Trao đổi với PV Dân Việt, đại diện Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội khẳng định: Sở Văn hoá và Thể thao thành phố Hà Nội đã làm việc với tác giả, cơ quan quản lý địa điểm tổ chức và các bên có liên quan thống nhất tạm dừng tổ chức triển lãm chủ đề "Điện Biên Phủ".

Buc-tranh-bo-doi-cam-co-rach-tai-trien-lam-Dien-Bien-Phu-gay-tranh-cai-gay-gat-2

Bức tranh "Điện Biên Phủ" gây nhiều tranh cãi.

Thông báo mà Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội đưa ra vào chiều qua (8/5) cũng cho biết: "Sau khi nhận được thông tin về triển lãm còn có ý kiến khác nhau về một số tác phẩm cần làm rõ hơn tránh hiểu nhầm, Sở Văn hoá và Thể thao thành phố Hà Nội đã làm việc với tác giả, cơ quan quản lý địa điểm tổ chức yêu cầu tạm dừng và các bên có liên quan thống nhất tạm dừng tổ chức triển lãm. Sau khi có kết luận, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ có thông báo tới các đơn vị và cá nhân có liên quan".

Trong khi đó, họa sĩ Mai Duy Minh chia sẻ, anh sẽ trả lời báo chí khi có kết quả phản  hồi chính thức từ Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội.

"Kiểm duyệt là chuyện tất yếu ở bất kỳ quốc gia nào"

Tuy các bên liên quan tạm thời giữ im lặng, việc tạm dừng triển lãm tranh "Điện Biên Phủ" đang gây ra những tranh luận sôi nổi trong dư luận. Trong khi không ít nghệ sĩ cho rằng đây là hành vi khắt khe với sáng tạo nghệ thuật, nhiều ý kiến khác lại cho rằng việc làm của Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội là đúng đắn, khi bức tranh chiến thắng Điện Biên khi bức tranh "bộ đội cầm cờ rách" khắc họa một người lính quá gày gò, khắc khổ, trên tay anh là lá cờ rách rưới.

Nhà báo Chiến Văn cho rằng: "Bức tranh vẽ chiến sĩ Điện Biên trong thời khắc lịch sử hào hùng của dân tộc với điệu bộ, gương mặt méo mó, biến dạng, mắt như bị dị tật, tay cầm lá cờ rách nát, lấm lem mà một số người vẫn khen và bênh tác giả được thì thật khó hiểu. Họ cho rằng đó mới là nghệ thuật. Và nghệ thuật phải phản ánh hiện thực?!

Tôi không am hiểu nhiều về hội họa nhưng khi nhìn bức tranh thấy có 3 điều: Một là tổng thể bức vẽ quá xấu. Hai là ko phản ánh đúng hiện thực. Ba là cảm giác người vẽ bức tranh này không có cái nhìn tích cực. Người có tinh thần dân tộc khi hình dung về chiến sĩ Điện Biên là sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh hào hùng, oai phong, uy nghiêm, oanh liệt.  Chiến thắng mang tầm vóc "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" chẳng lẽ lại bị tái hiện qua hình ảnh nhếch nhác, lấm lem, méo mó này sao???

Đành rằng nghệ thuật là phải tôn trọng sự sáng tạo, không thể áp đặt, cứng nhắc. Nhưng sáng tạo thế nào thì cũng phải hướng tới cái đẹp, cái tích cực, nhất là khi muốn trưng bày ở nơi trang nghiêm, trong dịp kỷ niệm trọng đại của đất nước".

Buc-tranh-bo-doi-cam-co-rach-tai-trien-lam-Dien-Bien-Phu-gay-tranh-cai-gay-gat-3

Họa sĩ Đinh Công Đạt cho rằng, kiểm duyệt là chuyện bình thường ở các quốc gia. (Ảnh: NVCC)

Từng vẽ nhiều bức tranh về đề tài người lính, chiến tranh, họa sĩ Triệu Khắc Lễ cho biết, ông đã nghe thông tin về việc triển lãm "Điện Biên Phủ" bị tạm dừng. Khi xem một vài bức tranh trên internet, ông không thực sự thích chúng, tuy vậy, do chưa được xem trực tiếp các bức tranh nên chưa thể kết luận cụ thể: "Tuy vậy, tôi có thể khẳng định đề tài chiến tranh là một đề tài khó. Người họa sĩ vừa phải đưa vào đó sự sáng tạo, yếu tố mới mẻ, vừa phải đáp ứng tính lịch sử, văn hóa, truyền thống của dân tộc".

Ở chiều ngược lại, chia sẻ với PV Dân Việt, nhà giám tuyển tranh nổi tiếng Ace Lê cho rằng: "Về lý do giải phẫu chưa đạt, tôi cho đó là không thoả đáng, vì như rất nhiều đồng nghiệp có chuyên môn đã lên tiếng, Mai Duy Minh là một trong những hoạ sỹ, cựu sinh viên trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội với kỹ năng tạo hình xuất sắc nhất, với thực hành ổn định suốt 20 năm qua và nhiều tác phẩm đã đi vào các ẩn phẩm học thuật chuyên ngành. Và anh ấy vẽ tác phẩm này trong 10 năm với cả ngàn bản phác thảo, nên mỗi chi tiết đều là một chủ ý đắt giá.

Về định hình phong cách, trước kia, Mai Duy Minh theo đuổi trường phái siêu thực, và những năm gần đây đã chuyển hướng qua hiện thực, nhưng hiện thực của anh không phải là hiện thực tả kể, mà là hiện thực tâm-tư tưởng. Nên không thể coi bức tranh này như một bức tranh được chính phủ chỉ đạo vẽ (commission) mà bắt nó phải theo đúng một chiều tư tưởng chủ đạo của người "ra đề" như các thiết kế biểu ngữ, băng-rôn kỷ niệm sự kiện, hay thậm chí là tranh chân dung được đặt vẽ mà có thể nhận xét "chỗ này thiếu cái nốt ruồi, chỗ kia tôi muốn cho thêm quyển sách hay đọc". Đây là một tác phẩm hoàn chỉnh, tự thân nó có cách biểu đạt của nó theo một loại hiện thực của nghệ sỹ; và tự do sáng tác là quyền cơ bản của nghệ sỹ.

Quay lại mấu chốt ở đây - vẽ như vậy có phải là phỉ báng chiến sỹ, nhân dân, nhà nước không? Tôi cho rằng không. Việc nhìn vào góc hiện thực không hào nhoáng của một xung đột quân sự là một kiểu soi rọi khác và cần thiết để nếu lên cái giá của chiến tranh với cả hai bên tham gia. Hoạ sỹ có chỉ vẽ người lính Việt Nam gầy gò hốc hác đâu? Người lính Pháp ngã dưới đất cũng đang rất tuyệt vọng trong giờ sinh tử, bỏ mặc cả súng dưới đất, chỉ kịp giương lên tấm ảnh người thân bé xíu trên tay cơ mà? Cả hai bên, dù thắng hay thua, đều đã phải trải qua những mất mát rất lớn trong quá trình đó; và đó là bài học cần thiết dành cho toàn nhân loại".

Trong khi đó, họa sĩ Đinh Công Đạt nhận định: "Họa sĩ Mai Duy Minh là người có tài năng, làm việc cẩn trọng, không cẩu thả. Anh ấy cũng là người vẽ cực thực, luôn tả thực mọi thứ đến tới chi tiết. Việc người chiến sĩ có gương mặt méo mó như mọi người nhận định, hoặc lá cờ rách không phải chuyện vô tình, bộc phát hay tay nghề yếu. Anh ấy muốn diễn tả cuộc chiến đấu như vậy. Theo tôi, có lẽ Duy Minh muốn khắc họa hình ảnh thực tế sau 51 ngày đêm chiến đấu vất vả và bền bỉ.

Mọi người chỉ đang nhìn cuộc chiến dưới khía cạnh đẹp đẽ, mà không nghĩ rằng đó đơn giản là quan điểm của một cá nhân về trận chiến. Có thể chúng ta thích hoặc không thích quan điểm này, nhưng không thể nói rằng họa sĩ đó kém".

Nói về vấn đề kiểm duyệt, họa sĩ Đinh Công Đạt cho rằng: "Không chỉ bây giờ, và không phải chỉ tại Việt Nam mà vẫn đề kiểm duyệt mới  tạo ra sự tranh cãi, bức xúc trong nghệ sĩ. Tất cả các quốc gia trên thế giới đều có vấn đề đó với nghệ sĩ, kể cả những nước như Mỹ, Pháp…

Người kiểm duyệt họ không hẳn là không hiểu biết, hoặc không thấu hiểu nghệ thuật, nhưng họ cần cân đối quyền lợi của một cộng đồng dân cư và một tác giả. Thứ hai, mục tiêu  của người làm nghệ thuật và người làm quản lý đôi khi không đồng nhất trên một trục, cho nên việc xảy ra sự xung khắc là điều không khó hiểu.

Đã là người nghệ sĩ lâu năm, rất cần hiểu và cân bằng khát vọng của bản thân cũng như sinh quyển nơi chúng ta sống. Không phải vì kiểm duyệt mà chúng ta gào lên "tôi không làm nghệ thuật nữa". Cũng không phải vì không kiểm duyệt mà ta làm việc cẩu thả.

Những tác phẩm bị kiểm duyệt chưa chắc đã là tác phẩm tốt, tác giả bị kiểm duyệt cũng chưa hẳn là tác giả tiên phong. Hãy coi kiểm duyệt là vấn đề bình thường khi làm nghệ thuật".

Mai Duy Minh sinh năm 1976 tại Hải Phòng. Năm 1999, anh tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam), hiện sinh sống và sáng tác tại thành phố Hải Phòng. Anh đã từng thực hiện các triển lãm cá nhân như: Tổ hợp không gian (2002), Bụi đời (2006) và một số triển lãm nhóm.

Theo thông tin được họa sĩ Mai Duy Ninh chia sẻ, để cho ra đời các bức tranh chủ đề "Điện Biên Phủ", họa sĩ Mai Duy Minh đã đi diền dã Điện Biên bằng xe máy, tiếp xúc với một số cựu chiến binh vẫn còn sống và minh mẫn nhớ lại sự kiện chiến thắng Điện Biên Phủ, tìm đọc tài liệu liên quan nhằm có kiến thức về cuộc kháng chiến chống Pháp.

Không có nhận xét nào