Kể chuyện làng: Nhớ món cơm độn của bố mẹ
Thế là lại thong thả ra cửa hàng tiện lợi ở đầu ngõ mua thêm ít chuối, bắp, khoai… về nấu cơm độn, dẫu mỗi lần có người thấy tôi ăn món cơm này, thường cảm thấy ngạc nhiên.
Các con tôi, những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong đủ đầy, cũng thường phàn nàn tôi vì món ăn rất lạ kỳ này. Dẫu phải đối mặt với những lời phàn nàn xen lẫn sự ngạc nhiên nhưng bản thân tôi không thấy thế mà phiền lòng mà ngược lại, vẫn cặm cụi ăn trong hạnh phúc. Hơn bất kỳ ai, tôi hiểu rằng mỗi món ăn đều chất chứa bên trong nó vô vàn nỗi ký ức từ những năm tháng đã qua.
Ai đã từng trải qua những năm tháng tuổi thơ ở thời kỳ bao cấp hẳn sẽ không xa lạ gì với ký ức về món cơm độn. Suốt khoảng đời tuổi thơ của tôi quẩn quanh với biết bao bát cơm độn khoai, sắn và hình ảnh về những dòng người chen chúc, chật vật xếp hàng bất kể ngày đêm để chờ mua thực phẩm với vô số quyển sổ lương thực, tờ tem phiếu trên tay.
Bố mẹ tôi khi ấy đều là giáo viên. Giữa thời buổi khó khăn, cả gia đình tôi cùng sống chung tại căn nhà tập thể nhỏ của huyện. Bố mẹ tôi cũng được nhà trường cấp thêm cho một mảnh vườn nhỏ. Mảnh vườn ấy được bố mẹ tôi sử dụng để trồng mía, bên dưới trồng thêm ít dây khoai lang. Phần lá gia đình tôi sẽ tận dụng để nuôi lợn, còn củ thì để dành độn cơm.
Suốt khoảng thời gian ấu thơ, hình ảnh của những bữa cơm gia đình thường chỉ có cơm độn và rau muống chấm tương dường như đã trở thành một ký ức khó quên trong lòng tôi. Cũng bởi, do hoàn cảnh vất vả, thiếu thốn gạo ăn nên mọi người thường tranh thủ độn bất kỳ thứ lương thực nào khác trong nhà như bắp, sắn, khoai…vào mỗi bữa cơm nhằm no bữa, duy trì sự sống qua ngày.
Thậm chí, có lúc nhà gần hết gạo, nồi cơm độn thiếu thốn đến mức cơm chỉ còn vài hạt dính xung quanh khoai, sắn. Thi thoảng, những lúc được vụ ngô, khoai thì nồi cơm lại gần như chỉ có một màu vàng. Mẹ tôi thường bảo nhiều người tại miền núi, trung du như ông bà nội tôi khi xưa hay ăn cơm độn sắn, còn người ở đồng bằng như gia đình tôi lại quanh năm quen ăn cơm độn ngô, khoai.
Bản thân tôi vẫn còn nhớ như in những lần mẹ bới cho mình một tô cơm độn khoai lang, kèm thêm vài trái chuối. Dù bữa ăn có thêm mấy con cá rô bố tôi vừa mới câu từ ao nhỏ trước nhà nhưng việc ăn cơm độn vẫn là điều không thể thiếu. Sực nhớ lần đầu tiên, khi được mẹ cho tô cơm độn, tôi đã ăn hết sức ngon lành, nhưng ăn từ từ rồi cũng ngán. Bản tính trẻ con hay hờn trách khiến tôi có lúc vùng vằng, thậm chí trách rằng, vì sao mẹ không nấu cho mình được một bữa cơm trắng cho thỏa nỗi lòng. Những lúc ấy, mẹ tôi vẫn thường cười buồn, ấp úng an ủi con gái: "Do nhà mình hết gạo rồi con ạ. Khi nào bố mẹ có tiền mua gạo, mẹ sẽ nấu một bữa cơm trắng cho con nhé!". Mấy lời giản đơn nhưng khiến lòng tôi buồn nao nao, thầm trách mình quá vô tâm với sự hi sinh đong đầy yêu thương của bố mẹ.
Đôi lần, trong bữa cơm độn của gia đình, tôi thường được nghe mẹ kể chuyện ngày xưa. Mẹ thường bảo rằng gia đình tôi tuy nghèo nhưng so làm sao với khoảng thời gian khó khăn của gia đình ông bà ngoại trước đây. Cũng bởi, tôi là con một được nuôi dưỡng trong sự quan tâm và tình thương yêu đặc biệt của bố mẹ. Bố mẹ đã tận tụy làm việc cật lực để lo cho tôi những ngày tháng tuổi thơ thật tươm tất. Thậm chí, đôi lúc bố mẹ không có một bộ đồ lành lặn dù là ngày Tết cận kề, nhưng vẫn cố gắng may thêm cho tôi vài bộ váy áo để xúng xính vui xuân.
Còn ông bà ngoại tôi, theo lời kể của mẹ cũng đã vô cùng vất vả để lo cho mẹ tôi và các dì cậu trưởng thành. Gia cảnh nhà ngoại tôi khó khăn đến độ mỗi khi nấu cơm, bà ngoại chỉ dám rón rén bốc một nhúm gạo con con, thả vào nồi cùng với những miếng khoai lang đã được xắt miếng to. Khi nồi cơm chín, màu vàng của khoai lang rực lên át hết cả sắc trắng của những hạt cơm hiếm hoi. Cơm ấy để dành cho mẹ và các dì cậu, còn ông bà ngoại chỉ ăn phần khoai đã được gạt vào một góc. Khoai trồng ở nơi đất sét như quê ngoại tôi khi xưa chẳng được ăn nắng nên chẳng có hương vị ngon lành gì nhưng vì thương các con nên ông bà tôi vẫn bình thản ăn, không một lời phàn nàn. Thế mới hay, tấm lòng cha mẹ dành cho con cái, dù ở bất kỳ thời đại nào cũng sâu sắc, đầy yêu thương như thế.
Ở quê tôi khi xưa, ngoài cây lúa thì bà con trồng thêm khoai hoặc bắp để hỗ trợ cho việc chăn nuôi. Tôi vẫn còn nhớ có những năm khi mất mùa khoai, bố tôi phải cần mẫn đạp xe vài chục cây số đến khu vực trồng chuyên canh khoai mì để đổi lấy một ít cho gia đình độn vào cơm, ăn cho qua mùa khó khăn.
Có khi để đổi vị, mẹ tôi sẽ cùng với các cô dì trong xóm mải miết đi bộ ra tận những cánh đồng xa để hái thêm rau má. Số rau má ấy khi mang về sẽ rửa sạch, thái nhuyễn rồi xào chung với chút mỡ heo. Mọi người trong nhà chỉ cần xới lưng chén cơm ra trộn thêm ít rau cho đầy bát để ăn cho no bụng. Những ngày đầu, do cảm giác lạ miệng, bọn trẻ con chúng tôi ăn khá ngon lành. Nhưng chỉ cần được vài ngày sau đó, khi ngửi thấy mùi ngai ngái của rau má thái nhuyễn là cảm thấy sợ.
Hoặc thi thoảng, người dân quê tôi cũng thích món cơm độn chuối xanh. Những ngày vụ mùa thất bát, món này là sự sáng tạo của bà con nhà quê ấy, khi ngô, khoai, sắn cũng trở thành thức hiếm hoi. Chuối xanh chỉ cần gọt sạch vỏ xanh, để lại phần vỏ lụa trắng, ngâm vào thau nước muối cho đỡ vị chát rồi độn thêm một ít gạo, là có được một nồi cơm đủ để no bụng, dẫu rằng cái vị chan chát của chuối xanh tương đối nhạt nhẽo và khó ăn.
Nhiều năm trôi qua, thời kỳ khó khăn phải ăn "cơm độn" rồi cũng qua đi. Thời hiện đại, khi bữa cơm ngày càng đủ đầy, những người đã sống qua thời kỳ khó khăn như chúng tôi lại "trở chứng" đâm ra thèm cơm độn. Sống giữa Sài Gòn nhộn nhịp với bao nhiêu món ăn ngon, bản thân tôi vẫn chọn cho mình món cơm độn để ăn vào cuối tuần. Cũng bởi, cơm độn không chỉ đơn thuần là món ăn mà còn gợi nhớ về những ngày khó khăn gian khổ.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; điện thoại liên hệ: 0903226305.
Không có nhận xét nào