Tại sao 300 bản phim bị hỏng ở Hãng phim truyện Việt Nam không thể phục hồi?
Ngày 4/1/2024, Thanh tra Bộ VHTTDL có văn bản phúc đáp thư của đạo diễn Bùi Trung Hải - đại diện tập thể nghệ sĩ ở Hãng phim truyện Việt Nam về việc nghiên cứu, đánh giá nghiêm túc, xác đáng về thiệt hại của 300 bộ phim kinh điển trong kho bảo quản.
Văn bản này nêu rõ, sau khi nhận được kiến nghị, phản ánh của tập thể nghệ sĩ về 300 bản phim bị hỏng, Cục Điện ảnh cùng Viện Phim Việt Nam làm việc với đại diện CTCP Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam và khảo sát trực tiếp kho lưu trữ phim.
Sau khi khảo sát trực tiếp, đoàn công tác nhận thấy kho lưu trữ phim đã xuống cấp trầm trọng, không đủ tiêu chuẩn để lưu trữ, các bản phim không thể sử dụng do không được kiểm tra, bảo dưỡng trong một thời gian dài.
Ông Lê Vinh Quốc làm công tác dựng phim, từng công tác tại Hãng phim truyện Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu. Trong gần 50 năm làm việc ông đã dựng trên 40 phim điện ảnh, 300 tập phim video và 200 phim tài liệu.
Nhà dựng phim từng tham gia dựng các phim Chị Dậu, Bến không chồng, Ngã ba Đồng Lộc, Của Rơi, Nhà tiên tri, Cỏ lau, Canh Bạc, ... và gần đây là Bình minh đỏ (đạo diễn Nguyễn Thanh Vân), Hồng Hà nữ sĩ (đạo diễn Nguyễn Đức Việt). Ông Lê Vinh Quốc chính là người từng đảm nhận việc số hóa những bản phim nhựa của Hãng phim truyện Việt Nam nay đã không còn sử dụng được nữa.
300 bản phim đã bị hỏng của Hãng phim truyện Việt Nam có phải chỉ là các bản copy?
Với 300 bản phim của Hãng phim truyện Việt Nam đã bị hỏng, không còn có thể sử dụng được, là người từng số hóa những bản phim này, ông suy nghĩ sao về chuyện này?
- Thực ra thông tin này đã có từ mấy tháng nay. Chuyện này là hệ quả tất yếu của việc cổ phần hóa không đúng đối tượng. Chuyện phim ảnh bị hỏng là một phần, còn nhiều thứ khác như máy móc thiết bị cũng bị hỏng theo và cái quan trọng nhất, tổn thất lớn nhất là con người.
Một số người nói, 300 bản phim bị hỏng của Hãng phim truyện Việt Nam là bản copy và đều đã được lưu chiểu tại Viện phim Việt Nam, vậy những bản phim hỏng của Hãng phim truyện Việt Nam có gì khác các bản lưu chiểu?
- Các bản phim bị hỏng là bản copy và đã có lưu chiểu ở những nơi khác nên có thể hiểu là việc này không ảnh hưởng nhiều lắm. Nói thế cũng đúng, nhưng mọi người chưa biết đến những vấn đề khác. Ví dụ như là ở Hãng phim truyện Việt Nam có những bản phim không được nộp lưu chiểu.
Tức là những bản phim này trước duyệt hoặc trước khi chỉnh sửa. Nó có những bản quay dù là phim truyện nhưng có những hình ảnh hoàn toàn có thể dùng làm tư liệu lịch sử. Đó không hẳn chỉ là những bản phim đã được duyệt, được công chiếu, được lưu chiểu và được số hóa.
Chưa ai thống kê đầy đủ nhưng chỉ biết giờ nó hỏng thì với chúng tôi đó là mất mát và đau xót.
Như phim Giải phóng Sài Gòn, Điện Biên Phủ trên không quay các loại vũ khí, khí tài. Thực tế, không có nhà quay phim nào quay được cảnh kéo đổ cổng Dinh Độc lập. Nhờ cảnh phim điện ảnh này có thể tái hiện cảnh đó như tư liệu lịch sử và có thể sử dụng vào nhiều phim khác. Nên những cảnh quay này mất đi là điều rất đáng tiếc.
Ông là người đã từng số hóa các bản phim này, vậy các bản số đó có chất lượng như thế nào, tại sao không thể lưu trữ lại?
- Việc số hóa có thời điểm của nó, kéo theo phương tiện đi cùng. Đầu tiên, chúng tôi số hóa chúng để đưa lên truyền hình thì chất lượng khi đó chỉ tương đương SD. Sau đó, đến khi Hãng phim truyện Việt Nam bắt đầu số hóa thì không phải số hóa được toàn bộ số phim và cũng chỉ là chất lượng SD, HD. Bởi vậy các bản số hóa cũng đã bị hỏng.
Ví dụ, với các bản phim còn giữ được, chúng ta có thể đưa ra các cơ sở hiện đại số hóa ra 2k, 4k để giữ những tư liệu đó sẽ rất là tốt. Nhưng Hãng phim truyện Việt Nam không thể có các tư liệu đó nữa.
Máy móc kỹ thuật của Hãng phim truyện Việt Nam hiện còn có thể cứu vãn được không?
- Máy móc kỹ thuật không có người, không có điều kiện để bảo quản tốt. Các thiết bị phải được bảo quản trong nhiệt độ cụ thể. Máy tính bao lâu phải được vận hành thì mới có thể hoạt động. Nhưng chế độ bảo dưỡng bị đình trệ, người có chuyên môn bảo dưỡng bị nghỉ việc. Điều kiện khác như điều hòa không hoạt động. Cây cối mọc trên mái nhà, leo vào cả trong phòng. Trong nhà thì ẩm dột như ngoài trời. Làm gì có máy móc nào chịu được trong điều kiện này. Máy móc tôi nghĩ là cũng đã hỏng hoàn toàn.
Vậy tình trạng công việc các đồng nghiệp khác cùng chuyên môn của ông hiện tại ra sao?
- Tôi đã có thâm niên gần 50 năm và cũng có ít người làm công việc này nên tôi vẫn có việc làm. Dù nghỉ hưu từ 2019, nhưng kể từ khi bắt đầu vào nghề là năm 1978 đến nay tôi vẫn làm phim liên tục. Phim điện ảnh mới nhất tôi làm là Bình minh đỏ của Thanh Vân, Hồng Hà nữ sĩ của Nguyễn Đức Việt.
Còn các anh em khác ai thuê gì làm nấy, không đúng nghề thì cũng phải làm, thậm chí không có lương, không có bảo hiểm. Các bạn trẻ hơn không có việc thì phải xoay nghề khác, miễn là có việc làm. Người trước kia từng làm quản lý kho phim của Hãng phim truyện Việt Nam hiện đang chạy Grab, làm shipper.
- Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!
Hãng phim truyện Việt Nam được thành lập năm 1953, trực thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Lịch sử phát triển gắn liền với dòng phim cách mạng và nghệ thuật, với các tác phẩm như: Chung một dòng sông, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Nổi gió, Chị Tư Hậu, Sao tháng Tám, Em bé Hà Nội, Vợ chồng A Phủ, Mùa ổi...
Trong suốt hơn 70 năm qua, Hãng sản xuất hơn 400 bộ phim điện ảnh, truyền hình, tài liệu. Nhiều tác phẩm gặt hái giải Vàng ở các Liên hoan phim Việt Nam, nhiều giải thưởng quốc tế. Thế nhưng, đó chỉ là qua thời hoàng kim trong dĩ vãng. Hiện nay trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam hoang tàn, đổ nát.
Cơ sở vật chất, giải thưởng, kỷ vật xuống cấp, ẩm mốc, phủ bụi do Hãng phim đóng cửa lâu ngày, không có người dọn dẹp. Không chỉ cơ sở vật chất mà hơn 300 phim nhựa được lưu trữ tại Hãng phim truyện Việt Nam cũng hỏng, trở thành những đống nhựa bết, dính.
Không có nhận xét nào