Bộ phim tài liệu đặc biệt về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và những giọt nước mắt của ê-kíp thực hiện
Những giọt nước mắt của ê-kíp thực hiện phim tài liệu về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Phim tài liệu “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Một nhà lãnh đạo kiên trung, trí tuệ và mẫu mực” dài gần 60 phút, do Điện ảnh Quân đội Nhân dân thực hiện đã tái hiện rõ nét cuộc đời và sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bộ phim được phát sóng tối 19/7, sau khi thông tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, nhân lên niềm xúc động trong hàng triệu trái tim người dân Việt.
Trung tá, NSƯT Đặng Thái Huyền - Phó Giám đốc Điện ảnh Quân đội chia sẻ với Dân Việt rằng, bộ phim do Quân ủy Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo nội dung; Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ đạo sản xuất, Điện ảnh Quân đội nhân dân vinh dự được trao nhiệm vụ sản xuất bộ phim đặc biệt này.
“Tôi và ê-kíp coi đây là nhiệm vụ đặc biệt. Tất cả thành viên trong đoàn phim đều rất áp lực nhưng cũng cảm thấy vô cùng vinh dự. Điện ảnh Quân đội đã thành lập hẳn 1 ê-kíp riêng trực chiến, bất cứ khi nào có lệnh đi quay là lên đường gấp và khi về capter vào máy để bổ sung bản dựng ngay. Đã nhiều đêm ê-kíp thức trắng bên bàn dựng.
Trong thời gian gấp gáp, có thể còn chỗ này chỗ khác chưa hoàn hảo, ê-kíp vẫn muốn cầu toàn hơn nhưng trong giờ phút này, đặc biệt khi phim vừa phát sóng xong, toàn đơn vị đã có thể an lòng là đã hoàn thành xong phim, giống như một nén tâm nhang gửi tới “Nhà lãnh đạo có mái đầu bạc trắng/ Sơn hà một gánh nặng hai vai”, Trung tá, NSƯT Đặng Thái Huyền bộc bạch.
Nữ đạo diễn cũng tâm sự thêm rằng, đối với riêng cá nhân chị, bộ phim tài liệu “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Một nhà lãnh đạo kiên trung, trí tuệ và mẫu mực” là bộ phim đặc biệt nhất trong cuộc đời làm đạo diễn của mình (tính đến thời điểm hiện tại).
Khi bộ phim phát sóng, cả ê-kíp đã ôm nhau khóc ngay ở sân của đơn vị - Điện ảnh Quân đội. Ê-kíp đã hoàn thành nhiệm vụ vào những giây phút cuối cùng, lúc mà cả đất nước đang buồn đau vô hạn vì biết tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi xa.
Tái hiện cuộc đời và sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Mặc dù chỉ gói gọn trong khoảng 60 phút nhưng bộ phim tài liệu “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Một nhà lãnh đạo kiên trung, trí tuệ và mẫu mực” đã tái hiện một cách sinh động chân dung của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ thời thơ ấu đến khi đảm đương nhiều cương vị, trọng trách quan trọng mà Đảng, Nhà nước giao phó.
Từ những ngày còn bé, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã là một cậu bé rất hiếu học. Mặc dù, phải đi bộ hàng kilomet mỗi ngày để đến lớp học được dựng tạm trong khuôn viên một ngôi đình cổ nhưng “cậu bé Trọng” vẫn chưa bao giờ bỏ học buổi nào. Với “cậu bé Trọng”, sự học trước hết là để làm người, để khám phá và tích lũy tri thức về thế giới xung quanh. Học để phụng sự quê hương, đất nước sau này.
Trong phim, bà Đặng Thị Phúc, giáo viên dạy cấp 1 của đồng chí Nguyễn Phú Trọng kể rằng: “Trọng phải đi bộ từ nhà tới lớp 3 cây số. Trời rét nhưng vẫn mặc áo nâu, chân đất… trông rất tội. Nhưng chăm chỉ lắm, cả năm không bỏ buổi học nào. Trọng học giỏi lắm, tuần nào cũng được lên báo cáo điển hình về học tập. Tính tình điềm đạm, trông khôi ngô, đẹp trai lắm…”.
Lên cấp 2, cấp 3, đồng chí Nguyễn Phú Trọng theo học ở trường Nguyễn Gia Thiều, quận Long Biên, TP. Hà Nội. Năm 1963, tốt nghiệp THPT, đồng chí Nguyễn Phú Trọng thi đỗ vào khoa Ngữ Văn khóa 8 của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, niên khóa 1963-1967. Thời điểm này, đế quốc Mỹ leo thang đánh phá rất ác liệt ở miền Bắc, sinh viên học tập rất gian khổ. Trong thời gian học tập, đồng chí Nguyễn Phú Trọng không chỉ chuyên tâm vào việc học mà còn rất năng nổ trong các hoạt động tập thể. Đồng chí là Bí thư Chi đoàn của lớp và là một trong những sinh viên hiếm hoi được kết nạp Đảng ngay sau khi ra trường.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện, nguyên Tổng Biên tập tạp chí Diễn Đàn Văn Nghệ nhớ lại: “Trong các sinh viên tốt nghiệp, anh Trọng là người đứng đầu bảng, có thể xem anh ấy là Thủ khoa. Các thầy cô có khuyên anh Trọng là từ luận văn tốt nghiệp, anh nên cô đúc lại thành một bài báo. Bài báo đó đã được đánh giá cao, được đăng trên tạp chí số tháng 11/1968. Đây là bài báo đầu tay của một sinh viên mới ra trường nhưng đã thể hiện được tư duy khoa học sáng tạo và có những kiến giải mới đối với lĩnh vực nghiên cứu khoa học của mình”.
Ra trường năm 1967, đồng chí Nguyễn Phú Trọng được phân công về công tác tại Tạp chí Cộng sản, kinh qua nhiều vị trí, chức vụ công tác, cao nhất là Tổng Biên tập. Trên cương vị Tổng Biên tập, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều đóng góp quan trọng cho công tác lý luận và chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Năm 1991, Liên Xô tan rã, theo lời ông Nhị Lê - nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản kể lại dư luận trong nước cũng có nhiều ý kiến băn khoăn có nên đổi tên Tạp chí Cộng sản thành Tạp chí Học tập như trước: “Đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh dù thời thế có thay đổi thì Tạp chí Cộng sản mãi là Tạp chí Cộng sản”. Năm 1992, đồng chí Nguyễn Phú Trọng được phong học hàm Phó Giáo sư. Năm 2002, đồng chí Nguyễn Phú Trọng được phong học hàm Giáo sư.
Giáo sư - Tiến sĩ Phùng Hữu Phú – Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương chia sẻ trong phim rằng: “Đồng chí Nguyễn Phú Trọng trong cuộc sống, trong sinh hoạt mềm dẻo bao nhiêu; trong hồi hộp lắng nghe và dân chủ bao nhiêu thì khi cần tổng kết đồng chí rất quyết đoán bấy nhiêu. Lúc đó, ở Thành ủy Hà Nội có khẩu hiệu theo tinh thần của anh Trọng là “Quyết liệt, quyết liệt hơn nữa. Chủ động, chủ động hơn nữa. Hiệu quả, hiệu quả hơn nữa”. Đấy cũng là tính cách của “tổng chỉ huy”, của Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Phú Trọng”.
Ông Phan Đình Trạc - Trưởng Ban Nội chính Trung ương cũng chia sẻ trong phim: “Tổng Bí thư đã nhiều lần phát biểu rất đau xót, nghẹn ngào khi phải xử lý kỷ luật đồng chí đồng đội của mình. Nhưng vì sự nghiêm minh kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch vững mạnh, uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân, ta phải làm, kiên quyết làm”.
Ông Trần Quốc Vượng – nguyên Thường trực Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII chia sẻ: “Đại hội XIII của Đảng đã tổng kết, những thành công của vừa qua là của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Nhưng phải nói, vai trò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là rất lớn. Đồng chí thực sự là trung tâm của mọi sự lãnh đạo của Đảng đối với sự phát triển của đất nước”.
Không có nhận xét nào