Nghệ sĩ Nhân dân từng phải đi sửa chữa ô tô, lúc về hưu 3 năm lại có 1 vai chính
Nghệ sĩ Nhân dân thành công từ vai hiền lành đến vai nham hiểm, phản diện
Nghệ sĩ Nhân dân Bùi Bài Bình chia sẻ rằng, ông từng có tuổi thơ rất vất vả. Từ năm 1964 đến năm 1968, ông đã phải đi sơ tán từ Hà Nội sang Từ Sơn (Bắc Ninh).
Đến năm 1972, ông lại đi sơ tán lần nữa nên việc học hành bị gián đoạn. Ông từng làm nhiều nghề như: sửa chữa ô tô, cơ khí… để kiếm sống nhưng thấy không hợp nên không theo nghề lâu dài. Cuối cùng do vẫn đam mê nghề diễn nên ông trở lại phim ảnh.
NSND Bùi Bài Bình thời trẻ. Ảnh: FBNV
Cuối năm 1972, NSND Bùi Bài Bình thấy trường Sân khấu - Điện ảnh tuyển sinh diễn viên khóa 2 nên đã thi vào. Thời đó, báo chí chưa phát triển nên thông tin tuyển diễn viên chỉ truyền tai nhau. Ông thi vào với tâm thế "đi cho vui" nhưng không ngờ lại đỗ.
Năm 1975, khi vẫn còn đang học ở trường, ông được chọn tham gia vai diễn đầu tiên (Trác) trong bộ phim Kén rể của đạo diễn Phạm Văn Khoa. Vì có khuôn mặt hiền lành và đậm chất quê, NSND Bùi Bài Bình được các đạo diễn chọn vào vai những anh bộ đội hiền lành, chân chất trong các phim như: Bức tường không xây; Khoảnh khắc yên lặng của chiến tranh; Thị trấn yên tĩnh; Lấy nhau vì tình; Sơn ca trong thành phố; Mưa dầm ngõ nhỏ...
Năm 2001, NSND Bùi Bài Bình tham gia vai Hòa trong Mùa ổi của đạo diễn Đặng Nhật Minh, bằng chất diễn riêng của mình, ông đã gây ấn tượng mạnh với khán giả lúc bấy giờ và đã nhận được giải Bông Sen cho nam diễn viên chính xuất sắc trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 13, góp phần đưa bộ phim được giải A tại Giải thưởng Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2001.
Sau này ông chuyển hướng sang dòng phim truyền hình, vào vai những nhân vật phản diện và tiếp tục gây ấn tượng với khán giả như: vị trưởng thôn trong Hương đất, Khuếnh trong Gió làng Kình hay Tòng trong Ma làng. Năm 2012, ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.
Kể về cơ duyên vào các vai trong phim Ma làng, Gió làng Kình NSND Bùi Bài Bình chia sẻ với PV Dân Việt: "Cuộc đời và sự nghiệp của tôi rất biết ơn anh Nguyễn Hữu Phần, nhờ có anh mà tôi có bước chuyển mình từ vai tri thức hiền lành, trở thành vai phản diện, cụ thể là Chủ tịch xã lưu manh trong Ma làng.
Ban đầu, tôi cảm thấy không tự tin khi có sự chuyển mình như vậy nhưng nhờ có anh động viên, mang kịch bản đến cho tôi, hướng dẫn tôi từng li từng tí một để vào vao được tốt nhất. Vì anh, tôi chẳng ngại đi thực tế, dấn thân mình vào đây đó để tìm hiểu nhân vật của mình.
Nếu là diễn viên chuyên nghiệp thì phải đóng được nhiều vai, hiền - ác, khổ - sướng, nhưng cũng không phải là ai cũng có thể đóng được tất cả loại vai. Như tôi, thường chỉ vào được các vai dân dã. Được sự động viên của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần tôi mới thử sức với phim như: Ma làng, Gió làng Kình. Nếu như bình thường thì tôi cũng không dám nhận vai như vậy.
Sau Ma làng, tôi cộng tác với anh tiếp tục với Gió làng Kình, cũng một vai như vậy nhưng anh Phần đã tạo ra cho tôi một nhân vật phản diện hình thái khác. Nếu Ma làng, vai của tôi là tay thư ký Ủy ban không có học leo lên chức nọ chức kia không từ thủ đoạn nào thì với Gió làng Kình, tôi trở thành tay trưởng thôn có học cũng thủ đoạn không kém".
NSND Bùi Bài Bình cho biết, sau khi nghỉ hưu, ông vẫn được nhiều đạo diễn mời làm phim truyền hình và điện ảnh, cứ 3 năm lại có 1 vai chính. Ông nói rằng, không phải nghỉ hưu mình mới bận mà công việc vẫn nhiều từ khi còn công tác.
Chia sẻ với Dân Việt về vai diễn ông Toại trong phim Gia đình mình vui bất thình lình phát trên VTV3 năm 2023, NSND Bùi Bài Bình cho biết: "Trước đây, tôi thường đóng những vai khổ, chững chạc. Thỉnh thoảng đạo diễn giao cho tôi đóng vai đểu, ác, hóa ra tôi cũng đóng được. Lần này tôi vào vai một ông bố lúc nào cũng trốn tránh, luôn coi vợ là "nóc nhà". Tuy nhiên, những gì quan trọng cần thiết ông đều chủ động quyết định. 3 người con trai ông đều thương yêu. Tất nhiên ai là bố cũng có cảm giác hợp hay thương một người con nào đó chứ không thể đồng đều. Ở nhà tôi, tôi cũng có 2 con trai. Đóng xong phim này tôi đã có trải nghiệm, có con dâu tôi cũng sẽ thương yêu con dâu như thế".
Ở tuổi U70, NSND Bùi Bài Bình rèn luyện sức khỏe bằng cách thường xuyên đi lại ở phim trường, leo trèo trong bối cảnh, lên rừng, tắm suối…
NSND Bùi Bài Bình về hưu còn bận hơn lúc đang công tác. Ảnh: FBNV
Nghệ sĩ Nhân dân Bùi Bài Bình có cuộc sống an yên tuổi già bên NSƯT Ngọc Thu
NSND Bùi Bài Bình và NSƯT Ngọc Thu quen nhau khi còn là học viên trường Điện ảnh. Tình yêu chớm nở khi cô gái Hà thành trót thương thầm chàng thư sinh có chiếc răng khểnh. Khi ấy, nhà Ngọc Thu cách nhà Bùi Bài Bình một bến tàu điện. Sự gắn bó lớn dần lên sau những lần cùng nhau đến trường, tan lớp. Trên những chuyến tàu điện, lời yêu chưa từng ngỏ nhưng tâm hồn hai người nghệ sĩ đã thuộc về nhau tự bao giờ.
Năm 1981, cặp đôi chính thức kết hôn và đến nay đã có hơn 40 năm sống hạnh phúc bên nhau. Ở giai đoạn gia đình gặp khó khăn, Ngọc Thu - người từng ghi dấu ấn với vai Chị Út Tịch phim Mẹ vắng nhà của đạo diễn Nguyễn Khánh Dư lại quyết định lui về hậu phương và toàn tâm chăm sóc gia đình để chồng yên tâm làm nghệ thuật.
NSƯT Ngọc Thu là người phụ nữ đảm đang và yêu thương chồng, đến nay bà và NSND Bùi Bài Bình đã không còn phải vất vả kinh doanh quán cà phê để lo cho gia đình nữa. Khi hai con trai đều đã trưởng thành và ổn định, vợ chồng NSND Bùi Bài Bình cho thuê lại quán để có thể yên tâm tận hưởng tuổi già.
NSND Bùi Bài Bình cũng cho hay, nhà ông không rộng nhưng có một mảnh vườn nhỏ. Ngoài thời gian đi làm phim, ông trồng hoa, nuôi chim cảnh để cân bằng cuộc sống.
Ông có hai con trai, trong đó có một người làm đạo diễn. Vợ chồng ông ở chung với con cả và vợ chồng người con út. NSND Bùi Bài Bình tự nhận mình là bố chồng dễ tính, biết điều, không soi mói hay xét nét con dâu.
Hiện NSND Bùi Bài Bình và vợ sống đơn giản, tận hưởng cuộc sống an yên. Có thời gian rảnh rỗi, hai vợ chồng ông cùng các nghệ sĩ thân thiết như: NSƯT Thanh Quý, NSƯT Diệu Thuần, NSƯT Quế Hằng... sẽ hẹn nhau đi du lịch hoặc gặp mặt hàn huyên. Một năm vài 3 lần ông cũng đi lịch cùng nhóm bạn già để nghỉ ngơi, thư giãn.
Không có nhận xét nào