Nghệ sĩ Ưu tú có con trai rất nổi tiếng, từng đóng người yêu của Nghệ sĩ Nhân dân Như Quỳnh trên màn ảnh
Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Tự Lẫm là bố ruột Nghệ sĩ Nhân dân Tự Long
Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Tự Lẫm - nghệ danh Hai Lẫm là một nghệ sĩ hát quan họ nổi tiếng của xứ Kinh Bắc. Ông được xem là một trong những người đặt nền móng của Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh (nay là Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh) và từng giữ chức Trưởng đoàn trong những ngày đầu thành lập. Ông chính là bố ruột của Nghệ sĩ Nhân dân Tự Long và được phong tặng Nghệ sĩ Ưu tú năm 2016, cùng đợt con trai Tự Long nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.
Năm 1968, khi Đoàn văn công Hà Bắc có đợt tuyển diễn viên, được các bậc cao niên trong dòng họ động viên, Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Tự Lẫm mạnh dạn đăng ký tham gia. Với năng khiếu ca hát bẩm sinh cộng tài lẻ giỏi đàn hát nên ông trúng tuyển ngay vòng đầu. Lứa nghệ sĩ ấy gồm 7 thành viên, ai nấy đều ở lứa tuổi 18 đến 20 tuổi. Năm 1969, tỉnh Hà Bắc thành lập Đoàn Dân ca Quan họ, Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Tự Lẫm ở trong lứa những thanh niên đầu tiên được chọn về đoàn để từ đây tỏa vào các làng Quan họ học hát.
Để có cơ hội được học hát Quan họ, ban ngày các nghệ nhân làm gì, các diễn viên trẻ cũng xắn tay vào làm, từ nhổ mạ, cày bừa, hái dâu… để rồi đêm xuống, công việc tạm gác, các nghệ nhân mới truyền dạy hát. Lúc đầu, thế hệ của Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Tự Lâm được nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi truyền dạy trực tiếp khoảng hơn 100 câu Quan họ cổ. Sau đó, Đoàn Dân ca Quan họ khi ấy chia ra các đội về 49 làng Quan họ sưu tầm các làn điệu cổ và học hát, học chơi Quan họ của các cụ ở các làng.
Đoàn Dân ca Quan họ Hà Bắc khi ấy có khoảng gần 60 người, chia ra 1 đội nam, 1 đội nữ và 1 đội nhạc, Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Tự Lẫm làm Đội trưởng Đội diễn viên hát Quan họ của Đoàn và cùng với nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi đi khắp các huyện tuyển sinh thêm lớp kế cận.
Chia sẻ với Dân Việt, Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Tự Lẫm cho biết, thời là diễn viên đoàn Quan họ, ông cùng vợ là Nghệ sĩ Ưu tú Minh Phức từng đi khắp các vùng trong tỉnh Hà Bắc cũ để mang tiếng hát phục vụ nhân dân, chiến sĩ. Đặc biệt, thời đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, hai vợ chồng ông cùng nhiều nghệ sĩ trong đoàn lăn lộn khắp các “tuyến lửa” dọc vùng sông Cầu, sông Như Nguyệt của Bắc Ninh, Bắc Giang để vừa giúp bà con khắc phục hậu quả vừa phục vụ văn nghệ để vực dậy đời sống tinh thần của họ.
Sau này, vì muốn lan tỏa cái hay, cái đẹp của Quan họ, Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Tự Lẫm cùng các anh em trong Đoàn đến các làng Quan họ cổ như: Viêm Xá, Đào Xá, Thị Cầu, Yên Mẫn, Thị Chung, Y Na… vừa sưu tầm, vừa mở các canh hát Quan họ truyền thống để học hỏi các cao niên ở các làng, có những canh hát kéo dài 2-3 đêm mới hết câu. Thời gian những năm 1980-1983, ông cùng Đoàn đi biểu diễn khắp các tỉnh trong cả nước và từng vinh dự được biểu diễn phục vụ Chính phủ và Quốc hội.
Trong suốt hơn 30 năm cống hiến cho đoàn Quan họ Bắc Ninh, cặp vợ chồng Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Tự Lẫm - Minh Phức từng đoạt nhiều huy chương, bằng khen qua các hội diễn. Số bằng khen ấy vẫn được ông bà cất giữ rất kỹ trong góc tủ riêng. Sau này vì sự thay đổi làm xuất hiện nhiều cơ chế không phù hợp nên Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Tự Lẫm đã xin về hưu non. Nhà riêng của ông ở TP. Bắc Ninh ở ngay cạnh Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh, bên cạnh nhà riêng của các nghệ sĩ Quan họ nổi tiếng một thời.
Một đời cống hiến cho nghệ thuật với bao thăng trầm, đổi thay, Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Tự Lẫm vẫn giữ được cốt cách của liền anh Quan họ, thủy chung, mực thước với những lời ca cổ, không ồn ào, không đàn sáo... và quyết không đánh đổi những lời ca như chắt từ mồ hôi, nước mắt của ông cha để hưởng những lợi lộc tầm thường.
Từng đóng người yêu của Nghệ sĩ Nhân dân Như Quỳnh
Ngoài vai trò là nghệ sĩ hát Quan họ, Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Tự Lẫm còn tham gia điện ảnh và nổi tiếng với vai Chi trong bộ phim Đến hẹn lại lên (1974) của đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Vũ. Bộ phim Đến hẹn lại lên lấy bối cảnh chính là làng Quan họ ở Bắc Ninh trước năm 1945. Nhân vật chính trong phim là Nết do Nghệ sĩ Nhân dân Như Quỳnh thủ vai, một liền chị Quan họ.
Phim mở đầu bằng cảnh hai nhân vật chính của phim là Nết và An gặp nhau tại trên "tuyến lửa" Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ. Từ bối cảnh đó, họ hồi tưởng lại ký ức ngày xưa - những mùa giao duyên Quan họ nơi làng quê Kinh Bắc. Từ đây, mạch phim bắt đầu chuyển về trước đó 20 năm, Nết và Chi gặp nhau lần đầu trong một ngày hội Lim khi cả hai cùng theo các liền anh, liền chị đi trẩy hội. Thương rồi cảm mến nhau nhưng vì quá nghèo họ không thể nên duyên vợ chồng. Chiếc xà tích vốn là vật gia truyền của mẹ được Chi trao cho Nết như một món vật đính ước.
Thế nhưng, trong ngày hội ấy, Bình - gã trai con nhà trọc phú, anh trai của An đã tìm cách chiếm đoạt cô gái quan họ xinh đẹp. Hắn bày mưu tính kế với bà chị Tư Nhung, vu khống cho Chi làm cộng sản và anh bị bắt giải đi nơi khác. Mặt khác, Tư Nhung còn lợi dụng sự cả tin của ông cậu ruột Nết đẩy cô vào thế đường cùng, bắt phải kết hôn với Bình. Ngày Nết về nhà chồng cũng là ngày mẹ cô qua đời. Quá đau đớn, nhưng cô đã không thể vượt qua hoàn cảnh bi đát này. Nết theo cách mạng, cuộc đời cô sang một trang cuộc đời mới. Cô đã cùng nhân dân giành chính quyền, lật đổ gia đình Bình. Nết và Chi được đoàn tụ bên nhau trong một kết thúc đẹp.
Bộ phim từng giành giải Bông sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 3 (1975) và Giải thưởng chính tại Liên hoan phim Quốc tế Karlovy năm 1976.
Nhắc đến bộ phim Đến hẹn lại lên, Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Tự Lẫm bồi hồi, xúc động. Thấm thoát đã hơn 50 năm vai diễn ấy ra đời. Năm ấy, ông mới 22 tuổi, được chọn đóng phim đúng thời điểm hoàng kim của Đoàn Dân ca quan họ Hà Bắc. Thời đó, ông vừa đi biểu diễn, vừa đóng phim của Hãng Phim truyện Việt Nam. Mỗi ngày đóng phim được bồi dưỡng 1 đồng (giá một bát phở lúc đó là 6 hào).
“Tôi vừa tham gia đóng phim vừa phải đi diễn cùng Đoàn Quan họ, nên ít gặp Như Quỳnh. Tôi chỉ đến đoàn làm phim khi đạo diễn yêu cầu, nhưng do hiểu được vai diễn, tôi đã nhập vào nhân vật với cảm xúc chân thực”. Có một thời, đi đâu mọi người đều nhận ra, gọi ông với tên gọi trìu mến “anh Hai Chi - chồng cô Nết.
Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Tự Lẫm cũng tâm sự rằng, với ông, điện ảnh là một sự tình cờ hay nói là may mắn cũng được. Sau vai diễn này, ông vẫn là một nghệ sĩ “cháy” hết mình với đam mê lớn nhất cuộc đời là dân ca Quan họ.
Không có nhận xét nào